Hoá học là một trong những môn thi của kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Đạt điểm cao môn này rất quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định đỗ vào các ngành học như ngành Y. Thí sinh cần phải Nắm vững lý thuyết cơ bản để thi THPT quốc gia môn hóa học.
Chú trọng nội dung môn Hoá cơ bản trong sách giáo khoa
Theo một số giáo viên bộ môn Hoá có kinh nghiệm cho biết: thí sinh cần nắm vững hai yếu tố, đó là kiến thức chính của nội dung SGK và áp dụng một cách thành thạo, nhuần nhuyễn các dạng bài tập ứng dụng theo các kỹ năng biết, hiểu và vận dụng thấp đến vận dụng cao.
Đề cương ôn tập cho thí sinh phải chú trọng kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, sách bài tập hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và đặc biệt cần phải bám sát nội dung cấu trúc đề thi môn Hoá năm 2015. Trong đó, thí sinh cần tập trung ôn tập vào chương trình lớp 12 và một số kiến thức căn bản của SGK lớp 10, 11. Bên cạnh đó, giáo viên bộ môn cần biên soạn các dạng đề thi thử cho học sinh làm nhuần nhuyễn.
Cấu trúc đề thi môn Hoá những năm gần đây, có một số câu hỏi liên quan đến kiến thức lớp 10 và 11, nhưng không riêng biệt mà đó là kiến thức tổng hợp. Do vậy, thí sinh cần nắm vững kiến thức một cách có hệ thống, logic tổng hợp. Thường xuyên làm các dạng bài tập khác nhau. Với dạng thi trắc nghiệm, thí sinh cần luyện tập phản ứng nhanh bằng cách áp dụng công thức tính nhanh cho hiệu quả, vận dụng các định luật bảo toàn, nắm kỹ phương pháp giải một cách linh hoạt. Các bài tập định tính, thí sinh cũng cần bám chắc lý thuyết SGK để thực hiện các bước giải chính xác.
Một số lưu ý khi làm bài thi môn Hoá
– Với dạng câu hỏi định lượng cần nắm một số thủ thuật thường hay sử dụng như: đại lượng trung bình, bảo toàn điện tích trong phản ứng oxi hóa – khử hay trong dung dịch; tăng giảm khối lượng, số mol…
– Áp dụng làm bài tập các dạng câu hỏi theo chủ đề một cách nhuần nhuyễn
– Phần viết phương trình phản ứng hóa học rất quan trọng nên các em cần chú ý viết đúng và đủ
– Với những câu hỏi mà các em thấy đáp án không chắc chắn đúng thì nên đọc kỹ đề, liên hệ tính chất của chất được cho để có thể suy luận loại bỏ được 50%. 50% còn lại các em có thể dùng đến phương pháp loại trừ từ cái hoàn toàn sai để suy ra đáp án đúng
– Cần tư duy hệ thống kiến thức để khi gặp một câu hỏi dạng tổng hợp kiến thức thì không bị lúng túng
– Chú ý các tính chất hóa học, tính chất vật lý, đặc điểm của các chất, nhóm chất bằng cách hệ thống hóa, so sánh những điểm giống nhau và khác nhau giữa các chất để dễ nhận biết khi gặp một dạng câu hỏi có liên quan
– Trình bày gọn gàng, cẩn thận.
– Chọn câu dễ làm trước, sau đó với các câu khó không làm được thì chọn cách loại trừ đáp án sai
– Phân chia thời gian hợp lí, hoàn thành hết bài thi với khả năng có thể.
Môn thi Hoá rất quan trọng, chính vì vậy các em cần tập trung ôn luyện để có thể đạt được điểm tốt nhất.