Môi trường đại học có điều gì khác lạ và mới mẻ so với môi trường THPT? Đây hẳn là thắc mắc của nhiều bạn học sinh vừa hoàn thành xong chương trình học cấp 3, và đang chuẩn bị tiến vào kì thi đại học. Dưới đây là 4 điểm khác biệt nhất giữa trường đại học với trường cấp 3 mà ai cũng phải công nhận
Môi trường học tự do
Hẳn là bạn vẫn còn nhớ những ngày tháng cấp 3 phải cuống cuồng chạy đến lớp cho kịp giờ học, nghỉ một buổi học cũng cần phải viết giấy xin phép với đầy đủ chữ ký của phụ huynh?… Thế nhưng, khi bạn lên đại học, hầu như việc bạn có đến lớp hay không, đi sớm hay đi muộn cũng chẳng mấy ai bận tâm, miễn là bạn đảm bảo đủ số giờ học cần thiết để được thi cuối kỳ.
Tuy nhiên, chính môi trường học tập tự do ở trường đại học lại vô tình tạo ra thử thách đối với tất cả các sinh viên. Bạn sẽ học hành nghiêm túc hay là trượt dài theo sự lười biếng, điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào sự ý thức của bản thân.
Trang phục đi học tự do
Đây có lẽ chính là điều khiến các tân sinh viên đại học thích thú nhất. Nếu như ở cấp phổ thông, bạn và bạ bè luôn phải "đóng khung" trong những bộ đồng phục của nhà trường. Thì khi lên đại học, bạn sẽ được ăn mặc thoải mái hơn, không cần phải mặc những bộ đồng phục khô cứng như trước nữa.
Tuy nhiên, được thoải mái lựa chọn trang phục không có nghĩa là bạn mặc gì cũng được. Bạn vẫn cần phải chú trọng trang phục mỗi khi lên lớp. Mặc dù không cần phải mặc quần âu, sơ mi, nhưng vẫn nên ưu tiên những trang phục lịch sự và đừng quá ngắn, và gây phản cảm như là quần sooc hay những chiếc crop-top ngắn cũn cỡn.
Giáo viên chỉ là người hướng dẫn
Giáo viên chủ nhiệm ở cấp THPT thường theo sát lớn mình. Đốc thúc ôn bài, thậm chí là cả kiểm tra bài tập về nhà luôn cho cả các bộ môn khác. Còn đối với giáo viên chủ nhiệm của cấp đại học thì lại khác. Họ chỉ có mặt khi những hoạt động của lớp cần sự có mặt của chủ nhiệm lớp. Chính vì thế nên đa phần các sinh viên đại học đều khá xa lạ với giáo viên chủ nhiệm của mình. Các giảng viên bộ môn khác cũng không ngoại lệ, thầy cô đến lớp giảng bài và ra khỏi lớp khi trống tiết vang lên, rất ít khi nhớ mặt và nhớ tên sinh viên nếu bạn không thật sự là người nổi bật.
Bạn Hoàng Linh sinh viên cao đẳng Y tế Hà Đông chia sẻ: Mình đang học năm 3, nhưng thực sự số lần được gặp giáo viên chủ nhiệm chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mặc dù cô ít khi đến lớp, nhưng không buổi hoạt động tập thể nào của lớp mà cô không tham dự. Mặc dù ít khi gặp cô, nhưng cô vẫn rất nhiệt tình, giống như giáo viên chủ nhiệm cấp 3 của mình. Khi có điều thắc mắc, chúng tớ mail cho cô, cô vẫn tận tình giải đáp và giúp đỡ.
Đại học = Tự học
Cách giảng dạy ở THPT thường đi theo lối mòn đọc – chép cho học sinh. Còn ở đại học, các giáo viên chỉ là người hướng dẫn, chứ không kèm cặp từng li từng tí cho sinh viên, vì thế nên sinh viên phải tự tìm ra phương pháp học phù hợp với mình, phải chủ động trong tư duy để tìm hiểu các kiến thức, tự tìm đọc thêm các nguồn tài liệu khác ngoài giáo trình và bài giảng của thầy cô. Khi đến kì thi, bạn cũng phải tự mình ôn luyện, "vật lộn" cùng với cuốn giáo trình dày cộp, mà đôi khi còn không có bất cứ sự định hướng nào.