Hiện nay, quan điểm của Bộ GD&ĐT về đổi mới giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực người học. Trên cơ sở đó, mỗi học sinh không chỉ được quan tâm về học vấn – kiến thức mà cả về đời sống tinh thần.Nhiều trường học đã triển khai tư vấn học đường song vẫn còn nhiều bất cập, cần phải được chuyên nghiệp hơn.
Thực trạng tâm lý học đường
Ở lứa tuổi học sinh, nhân cách đang trong quá trình hình thành và phát triển. Chính vì thế, các em có rất nhiều khúc mắc trong học tập cũng như trong các mối quan hệ với thầy cô, bạn bè, gia đình và xã hội. Nếu như những khúc mắc này không được tư vấn và định hướng kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như bỏ học, trầm cảm, tự kỷ, thậm chí có thể dẫn đến những suy nghĩ nghiêm trọng hơn như muốn tự tử.
Hiện nay, dư luận đề cập rất nhiều đến bạo lực học đường, không đơn thuần là xung đột giữa học sinh với học sinh mà còn là xung đột giữa giữa học sinh với thầy cô giáo. Đây chính là một trong những hành động hệ luỵ do thực trạng tư vấn học đường chưa được đi sâu sát.
Xét trên nhiều khía cạnh có thể thấy các vụ ẩu đả đánh nhau chỉ là một phần nổi trong bạo lực học đường. Nguy hiểm hơn là những âm ỉ sang chấn tâm lý do bị đè nén, o ép hoặc đe dọa, nếu xảy ra thường xuyên sẽ khiến những biểu hiện tâm lý của các em chuyển thành bệnh lý, hậu quả khó lường. Các em có vấn đề tâm lý, tư tưởng sẽ không còn tin tưởng ai, có những hành động tiêu cực thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Tư vấn học đường tiếp cận kịp thời sẽ giúp các em định hướng, nắm bắt được diễn biến trạng thái tâm lý học sinh để có những can thiệp không gây ra những hậu quả xấu.
Tư vấn học đường không chỉ ngăn những hệ lụy xấu mà còn giúp các em phòng tránh việc rơi vào những hoàn cảnh trớ trêu, thoát khỏi khủng hoảng trong các mối quan hệ xã hội.Nếu như có những đơn vị tư vấn học đường chuyên nghiệp, sẽ giúp chúng ta có được nguồn dữ liệu tốt và lựa chọn được thầy cô giáo tâm huyết, được đào tạo về chuyên ngành tâm lý học tham gia.
Nền giáo dục ở các nước phát triển đều rất quan tâm đến hoạt động tư vấn học đường trong các nhà trường, đặc biệt là ở bậc học trung học phổ thông.
Đội ngũ chuyên môn tư vấn học đường thiếu
Hiện nay, do chủ trương cải cách, tinh giản biên chế để nâng cao hiệu quả trong hoạt động của hệ thống các đơn vị sự nghiệp nên việc bố trí định biên cho giáo viên chuyên trách tư vấn tâm lý tại các trường học còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là sử dụng cán bộ kiêm nhiệm.
Ngoài ra, việc đào tạo cán bộ tâm lý học đường còn nhiều hạn chế. Tại các trường sư phạm trong cả nước mới chỉ quan tâm ưu tiên đào tạo những môn khoa học cơ bản, chứ chưa trú trọng đến chuyên ngành tâm lý học đường. Ngành giáo dục cũng đã nhận thấy rõ vai trò của tư vấn học đường ảnh hưởng thế nào đến tâm lý của các em, nên đã quyết tâm xây dựng các hoạt động này một cách bài bản và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, quyết tâm thôi chưa đủ, ngành đang có những nghiên cứu đánh giá, xây dựng mô hình tư vấn học đường tại các trường học, phối hợp với một số tổ chức quốc tế có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Trước mắt, Bộ ban hành văn bản hướng dẫn và đề nghị cơ sở nghiên cứu và triển khai phù hợp với điều kiện thực tiễn của các trường học. Ngành giáo dục coi tư vấn tâm lý giáo dục là một vị trí cần thiết trong danh sách tuyển dụng tại các cơ sở giáo dục.